Giỏ hàng

Hỗ trợ khách hàng

0961 053 788

Chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu trong 3 tháng đầu

Chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu trong 3 tháng đầu

Trong suốt thai kỳ, chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu cần được thiết lập một cách khoa học vì nó mang tính quyết định tới cân nặng và sự phát triển của thai nhi. Trong đó, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý tới dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ bởi đây là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi.

ĐẢM BẢO DINH DƯỠNG 3 THÁNG ĐẦU THAI KỲ QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO

Trong 3 tháng đầu được coi là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi. Vào tuần thứ 4 của thai kỳ, hệ thống thần kinh của trẻ bắt đầu phát triển. Đến tuần thứ 6, não và tủy sống hình thành, song song với quá trình phát triển tim, hệ tuần hoàn và các cơ quan nội tạng khác. Đến cuối tuần thứ 12 của thai kỳ, hầu hết các bộ phận trên cơ thể thai nhi như chân, tay, mắt, mũi,… đều hoàn thiện.

Để phát triển toàn diện, thai nhi cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất cần thiết như axit folic, canxi, sắt, vitamin D,… Nếu người mẹ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì có thể gây dị tật, suy dinh dưỡng hoặc thậm chí là sảy thai. Vì vậy, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu đầy đủ, khoa học là vô cùng cần thiết để người mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và em bé được phát triển toàn diện.

NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA THAI PHỤ TRONG 3 THÁNG ĐẦU MANG THAI

Năng lượng: Cùng với sự phát triển của thai nhi, nhu cầu năng lượng của thai phụ cũng thay đổi đáng kể. Trung bình, bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu cần cung cấp khoảng 2300 – 2400 kcal/ngày;

Axit folic: Giúp giảm nguy cơ dị tật thai nhi như: dị tật ống thần kinh, hay tật nứt đốt sống trong bào thai. Mẹ bầu có thể bổ sung axit folic qua các loại thực phẩm như rau màu xanh thẫm (cải xanh, rau muống,…), thịt gia cầm, ngũ cốc,… Ngoài ra, thai phụ cũng có thể dùng thêm viên uống bổ sung axit folic theo hướng dẫn của bác sĩ;

Protein: Rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển nhanh của mô bào thai. Không chỉ vậy, protein còn giúp tăng trưởng mô vú và tử cung trong thai kỳ, tăng cường sản sinh máu, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu nên chú ý ăn nhiều hơn các thực phẩm giàu protein như cá, đậu, trứng, thịt gà, sữa, thịt bò nạc và heo,… trong cả 3 bữa ăn. Trong giai đoạn này, thai phụ cần khoảng 85 – 90g protein/ngày, cao hơn bình thường 10-15g/ngày;

Sắt: Đây là vi chất vô cùng quan trọng trng suốt thai kì . Bà bầu cần được cung cấp 36 – 40mg sắt mỗi ngày để phòng ngừa thiếu máu. Các loại thực phẩm có hàm lượng sắt cao cần tăng cường vào thực đơn ăn uống của thai phụ gồm thịt đỏ, tim cật, các loại hạt, rau xanh,… Ngoài ra, thai phụ cũng có thể sử dụng thêm viên uống cung cấp sắt theo chỉ định của bác sĩ;

Vitamin A: Mẹ bầu cần được cung cấp đủ 600mcg vitamin A/ngày. Các loại thực phẩm giàu vitamin A gồm thịt, cá, trứng, sữa, gan động vật, rau màu xanh thẫm, củ quả màu vàng, đỏ;

Canxi và vitamin D: Là 2 thành phần dinh dưỡng quan trọng trong việc hình thành hệ xương của thai nhi. Mẹ bầu nên bổ sung thêm canxi trong trứng, tôm, cá, cua, sữa, rau xanh, đậu đỗ và nên tắm nắng sớm để tăng cường hấp thu vitamin D;

Vitamin C: Có tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng cảm lạnh cho mẹ, giúp xương bé chắc khỏe hơn. Vitamin C có nhiều trong các loại rau, củ, quả,…;

Các nguyên tố vi lượng: Magie, selen, i-ốt, kẽm, vitamin nhóm B, DHA/EPA,… cũng cần được bổ sung vào chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu cho bà bầu.

THỰC PHẨM PHỤ NỮ MANG THAI 3 THÁNG ĐẦU NÊN TRÁNH

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu không chú ý trong vấn đề ăn uống, mẹ bầu có thể phải đối diện với nguy cơ sảy thai. Một số loại thực phẩm dưới đây có thể gây sảy thai hoặc không tốt cho thai nhi, thai phụ cần chú ý kiêng khem cẩn thận:

Dứa: Ăn dứa hoặc uống nước ép dứa trong 3 tháng đầu mang thai có thể khiến thai chết lưu. Nguyên nhân vì dứa chứa các bromelain – nguyên nhân gây co thắt ở phụ nữ mang thai, dẫn tới sảy thai;

Cua: Nên hạn chế ăn cua quá nhiều trong giai đoạn đầu của thai kỳ bởi chúng có thể làm tử cung co lại, gây xuất huyết bên trong hoặc thậm chí là thai chết lưu. Ngoài ra, cua có hàm lượng cao cholesterol, không tốt cho sức khỏe của thai phụ;

Lô hội (nha đam): Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nên tránh sử dụng nước ép lô hội vì nó có thể gây xuất huyết vùng chậu dẫn tới sảy thai;

Hạt mè (vừng): Là loại thực phẩm thai phụ không nên ăn quá nhiều trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Hạt vừng khi kết hợp sử dụng với mật ong có thể dẫn tới sảy thai. Tuy nhiên, bà bầu có thể ăn hạt vừng đen trong giai đoạn cuối của thai kỳ để sinh con dễ dàng hơn;

Gan động vật: Gan động vật có chứa nhiều vitamin A nhưng các bà bầu chỉ nên ăn 1 – 2 lần/tháng. Nguyên nhân là vì nếu ăn gan động vật quá nhiều sẽ dẫn tới tích tụ nhiều retinol có thể gây hại cho thai nhi;

Đu đủ: Đu đủ xanh hoặc ương có chứa các enzyme có thể dẫn đến cơn co thắt tử cung gây sảy thai;

Chùm ngây: Tuy rất giàu vitamin, kali và sắt nhưng chùm ngây lại có chứa alpha sitosterol có hại cho phụ nữ mang thai vì có thể dẫn tới sảy thai. Đó là lý do thai phụ trong 3 tháng đầu không nên ăn loại rau này;

Chế phẩm từ sữa chưa tiệt trùng: Có chứa vi khuẩn listeria có hại cho phụ nữ mang thai;

Thực phẩm sống: Rau, quả chưa rửa kỹ, rau mầm sống, thịt chưa được nấu chín,… vì một loại ký sinh trùng là toxoplasma sống trên rau, thịt chưa được rửa kỹ, nấu chín có thể gây hại cho sự phát triển tâm thần của thai nhi;

Hải sản có hàm lượng thủy ngân cao: Các bà bầu đang mang thai 3 tháng đầu không nên ăn một vài loại cá và động vật giáp xác như cá kiếm, cá kình, cá ngừ, cá thu,… vì chúng có hàm lượng thủy ngân rất cao. Thay vào đó, thai phụ nên chọn tôm, cá cơm, cá hồi, cá rô phi,… vì chúng chứa ít thủy ngân, được chứng minh an toàn đối với phụ nữ mang thai. Đồng thời, thai phụ cũng không nên ăn hải sản tươi sống vì chúng có thể tồn tại vi khuẩn, virus gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé;

Các chất kích thích: Cà phê, rượu, bia và các chất chứa cồn làm tăng nguy cơ sảy thai, gây dị tật thai nhi hoặc khiến trẻ chậm phát triển;

Muối: Giảm muối trong thực đơn đối với những thai phụ đang bị phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén để phòng ngừa nguy cơ tai biến khi sinh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.

MẸ BẦU ỐM NGHÉN NÊN ĂN UỐNG NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CON ĐỦ DINH DƯỠNG?

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ thường bị ốm nghén nên có cảm giác ăn uống không ngon miệng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người mẹ và gián tiếp ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi.

Để ăn uống ngon miệng hơn, giúp con đủ dinh dưỡng, mẹ bầu nên chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày nhằm tránh hiện tượng buồn nôn do ốm nghén. Bánh, sữa, hoa quả nên được chuẩn bị để ăn trong các bữa phụ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé. Đồng thời, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, bữa ăn đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau để đỡ gây cảm giác chán ăn. Ngoài ra, thai phụ cũng nên kết hợp thêm các bài tập thể dục nhịp nhàng như hít thở, yoga bà bầu,… để tiêu hóa tốt hơn, giảm ốm nghén, ăn ngon hơn.

Lưu ý tới những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ trên đây sẽ giúp thai phụ có sức khỏe tốt và thai nhi phát triển toàn diện.

Để đảm bảo sức khỏe của thai phụ và thai nhi tốt nhất, bạn nên lựa chọn đăng ký các gói Thai sản trọn gói tại các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám và theo dõi thường xuyên để xử lý kịp thời những phát sinh, rủi ro xảy ra trong suốt thai kỳ và sau khi chuyển dạ.

SẢN PHẨM NỔI BẬT

Zalo
Hotline